Thông tin này được công bố sau khi Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35 đến các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và nhiều nơi khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này được cho là đặt ra thách thức lớn đối với các hệ thống phòng không Trung Quốc.
Giới quan sát Trung Quốc nhận định, KJ-600 được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tiên tiến, có thể phát hiện chiến đấu cơ tàng hình như chiếc F-22 và F-35 của Mỹ.
Chuyên gia quân sự Lie Jie ở Bắc Kinh nói rằng nhờ có AESA, KJ-600 có thể trở thành trung tâm chỉ huy trên không. “AESA có thể phát hiện chiến đấu cơ tàng hình ở tầm xa”.
Điều này giúp rút ngắn khoảng cách công nghệ quân sự của Trung Quốc với Mỹ, tăng cường khả năng tham chiến cho nhóm tác chiến tàu sân bay.
Cụ thể, KJ-600 hoàn toàn có thể hạ cánh trên tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, vốn đang được đóng ở Thượng Hải.
“Lợi thế lớn nhất của KJ-600 là năng lực phát hiện tín hiệu ở tầm xa và soi rõ máy bay tàng hình ở một số góc độ nhất định”, chuyên gia Zhou Chenming nhận định.
Hiện tại, nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc bị giới hạn bởi radar gắn trên tàu chiến, bị giới hạn bởi độ cong của Trái đất.
Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, dự án phát triển KJ-600 cho thấy Trung Quốc muốn nhóm tàu sân bay hoạt động xa bờ hơn.
Sự xuất hiện của các máy bay cảnh báo sớm hiện đại như KJ-600 chắc chắn sẽ khiến quân đội Mỹ lo ngại, bởi tiêm kích tàng hình Mỹ sẽ không còn chiếm thế độc tôn trên chiến trường, các chuyên gia phân tích Trung Quốc nhận định.